Lối sống an nhàn, buông thả và những hệ quả.
Đã có bao giờ bạn ngừng lại và tự hỏi:
Ủa sao dạo này mình trông thiếu sức sống vậy ta? Sao mình luôn cảm thấy không hài lòng về bản thân một chút nào cả. Mấy hôm nay có làm gì cực nhọc đâu, mình cũng nằm lên nằm xuống bấm điện thoại cả ngày có vẻ thư giản lắm mà. Mình cũng nghỉ ngơi, ngủ ngày hơn 8 tiếng, hoặc cũng đi cafe, ăn sáng đều đặn thư thả với bạn bè đồ các kiểu mà. Chớ mình còn thiếu cái gì nữa mà sao vẫn không thấy vui và hạnh phúc vậy? Kỳ vậy ta?
Thoạt nhìn qua thì cuộc sống trôi thả như vậy ai cũng nghĩ là sướng nhưng sâu thẳm trong đó là hàng loạt những rắc rối mà không mấy ai cảm nhận được và chịu nhìn lại.
1. Vì lâu ngày không được quyết định chuyện gì nên bạn đưa ra hàng loạt những quyết định sai.
Bạn luôn đắn đo với những quyết định nhỏ nhặt, dễ dàng mà ngày trước bạn đã từng quyết định rất nhanh và sáng suốt.
Phải, lúc này bạn sẽ cảm thấy luôn không hài lòng với những quyết định của mình. Quyết định xong một chuyện thì hay hối hận về quyết định của mình. Vì sau những ngày tháng sống buông thả bạn hầu như đánh mất một thứ rất quan trọng đó là: Sự Tập Trung.
Khi sự tập trung mất đi đồng nghĩa với hàng loạt những biến chứng để lại. Lúc này bạn đang làm việc này nhưng đầu óc lại bận đi du lịch tới một nơi khác. Kết quả là việc chẳng đâu vào đâu.
Cầm quyển sách lên đọc mà nhìn dòng chữ cứ như trên mây, đọc thì đọc nhưng mà chả hiểu gì cả. Từ những quyển sách dài bắt đầu ảnh hưởng đến những đoạn văn ngắn. Bạn lướt facebook lúc này sẽ có xu hướng ngán ngán những đoạn văn, đoạn chữ và sẽ lướt qua thật nhanh vì đọc vào có tập trung đâu mà hiểu. Bạn tìm đến những video giải trí ngắn để xem vì khỏi mất công suy nghĩ. Kiểu như bắt đầu trở thành người nửa vời.
Giai đoạn 1 của lối sống buông thả sẽ bắt đầu từ lúc này.
2. Cuộc sống trôi thả sẽ làm mất dần dần các kĩ năng sáng tạo trong bạn.
Lúc này sự nhạy bén trong công việc bắt đầu không cánh mà bay. Lúc này bạn vẫn cố gắng lên youtube xem những video mà trước đây bạn đã từng học tập để biện minh rằng bản thân vẫn còn động lực sống đây này.
Nhưng trong lúc đó là gì? Khả năng tập trung bắt đầu mất thì xem video kiểu "râu nọ cắm cằm bà kia". Vừa xem vừa nghĩ: sao video bữa nay dài dữ thần vậy trời. Rồi có xu hướng bấm qua vừa xem vừa lướt facebook. Kết quả là video xem xong chả đọng lại gì cả.
Các khả năng phán đoán tình huống, hoặc sáng tạo thứ mới trong công việc cũng như trong cuộc sống dần mất đi. Bạn dễ dàng chấp nhận bị điều khiển và làm theo lời nói và ý kiến của người khác một cách vô thức. Năng suất làm việc bắt đầu suy giảm.
Bạn dần trở thành người hay quên, đi chợ quên đem theo tiền, mua đồ mà quên lấy đồ về... Sự mất tập trung bắt đầu trở nên nặng trầm trọng.
3. Bạn bắt đầu đánh mất chính mình và ngày càng trở nên yếu đuối, phụ thuộc vào cảm xúc của người khác.
Một khi các kĩ năng không được dùng thường xuyên thì chúng sẽ dần bị quên đi. Não bộ sẽ trở nên khó điều khiển. Đó là lý do nhiều người hay dễ cáu gắt bởi một sai lầm nhỏ của người khác.
Lúc này khi nói chuyện với bạn bè, người thân bạn có xu hướng không tập trung mà cứ nghĩ tới chuyện khác. Đi cafe tán gẫu sẽ không còn quan tâm tới người đối diện mà sẽ đem điện thoại ra nhắn tin, hoặc làm việc riêng. Cuộc gặp gỡ xem như là buổi trò chuyện online của mỗi người. May mà với mấy đứa bạn dễ dãi chứ mà đi hẹn hò với đối tượng hoặc đối tác làm ăn thì thôi rồi. Thất bại là cầm chắc trong tay vì sự mất lịch sự mà chính bạn cũng không hề nhận ra.
Ngày trước bạn tự hứa với bạn thân là không bao giờ quan tâm tới việc người khác nghĩ gì về mình thì nay lại bắt đầu lo lắng về việc đó. Trước cứ hứa là sẽ tiến lên phía trước thì nay lại đi thụt lùi. Vì sau bao ngày không còn nghĩ tới những câu nói truyền động lực thì bạn sẽ dần quên đi chúng.
Khi động lực sống không còn thì cảm giác yếu đuối, phụ thuộc sẽ lắp đầy trong tiềm thức.
Và khi khả năng sàng lọc ý kiến bên ngoài mất đi thì hàng loạt những ý tưởng xấu bắt đầu len lỏi vào bên trong gây ra nhiều hậu quả.
Kết cục là bạn trở nên tầm thường, nhạt nhẽo và hòa nhịp theo đám đông một cách vô thức.
Đó là lý do vì sao lối sống hưởng thụ trông có vẻ sung sướng, thoải mái nhưng kết cục lại mang lại cho bạn vô số rắc rối mà không hiểu nguyên nhân tại sao.
Mà cứ yên tâm. Mình không ở đây để nói ra những điều tiêu cực để làm bạn nhục chí. Bài viết này mình sẽ phơi bày ra toàn bộ những thói quen xấu một cách thực tế nhất để bạn có thể nhìn lại xem bản thân mình có mắc phải không và từ đó rút ra bài học cho bản thân và tránh lối sống an nhàn, buông thả bạn ha.
Nếu vẫn chưa có lối thoát thì đọc bài tiếp theo của mình. Bài đó mình sẽ chỉ ra phương pháp mà mình áp dụng để thoát khỏi trạng thái tiêu cực, bất an đó là thay đổi và học hỏi qua các kênh mạng xã hội. Mọi người nhớ đón xem ha.
Hieu Nguyen