Nếu bạn từng yêu cây nhãn rừng tức là bạn cũng có một tuổi thơ dữ dội và bạn cũng yêu chính cái tuổi thơ đó.
Nhãn rừng cũng có vị ngọt tương đương với nhãn nhà hay trồng nhưng có một cái khác là cây nhãn rừng rất thấp, có chiều cao chỉ bằng hoặc cao hơn người trưởng thành một chút xíu. Nhãn rừng không mọc 1 cây mà thường là do nhiều cây mọc sát nhau nên thành 1 bụi.
Nguồn gốc cây nhãn
Cây nhãn rừng không phải do người trồng mà tự mọc từ thiên nhiên. Hoặc có thể là do khả năng dễ sống, dễ thích nghi nên khi người ta ăn nhãn bỏ lại hột ngoài rừng, nước mưa và ánh nắng tự nhiên sẽ làm hột cứ thế mà đâm chồi nảy lộc.
Ở vùng đất khô hạn Ninh Thuận - Bình Thuận này nhãn rừng tự mọc rất nhiều.
Hồi nhỏ không có tiền, cứ đến mùa, sau giờ đi học về là bọn mình tranh thủ lội bộ đi tận sâu bên trong những ngọn đồi, cánh rừng để đi "đảo" nhãn (theo tiếng địa phương). Vì mãi mê những cành nhãn ngọt lịm mà có khi có đứa nó đạp nguyên 1 bàn chân toàn gai bàn chải (hồi đó toàn đi chân đất chứ không mang dép). Dù đau đớn cỡ nào hôm sau nó vẫn đi tiếp, lũ nhỏ tụi mình thằng nào thằng nấy lì đòn thế đó. Mẹ mình thì lúc nào cũng dọa đi coi chừng đạp mìn - mìn do chiến tranh còn sót lại dưới đất những cánh rừng, vì có nhiều người đã từng bị rồi. Mẹ cấm không cho đi. Nhưng vì đam mê khó bỏ nên mỗi lần đi là mình lẩn trốn. Ăn nhiều nhãn đôi khi nóng quá còn bị lở miệng nữa chứ.
Kể mới nhớ lại kỉ niệm với những cánh rừng ở Bình Thạnh - La Gàn đem lại không biết bao nhiêu là món quà cho lũ nhỏ bọn mình. Ngoài mùa nhãn rừng ra thì tới mùa bọn mình còn đi hái táo tiêu rừng, bắt con tuavit, bắt dế về đá...
Nay lớn rồi, đi đường mỗi khi thấy cây nhãn là thỉnh thoảng dừng lại hái vài trái ăn, dù không còn ngon ngọt như trước nhưng cũng đủ để nhớ lại kỉ niệm xưa.
Hieu Nguyen